Cơn gió cuối mùa vẫn còn lạnh như cắt thịt cắt da ở một xứ miền đồng hoang vắng. Những tiếng xào xạc của lá chuối khô như đang co rúm lại vì cái lạnh tê tái của mùa đông năm nay.
Mùa đông năm nay lạnh hơn mùa đông năm trước, có lẽ vậy mà đêm nay tôi không sao chợp mắt được. Cứ trằn trọc trôi theo những ký ức xa xưa vọng về.
Ký ức xa xưa như đang sống lại trong tôi qua những câu chuyện khi tôi còn rất nhỏ, đã được nghe bà con trong làng kể lại về ngôi chùa của làng tôi Thôn 4, Tế Độ, Tế Nông, Nông Cống, Thanh Hóa trước đây rất linh thiêng.
Chùa tọa lạc ngay phía trước nhà tôi khoảng hơn 500m. Nhưng đến bây giờ ngôi chùa đã không còn nữa. Nhường vào đó là những hộ dân đã di cư từ xóm dưới lên sống mấy chục năm nay.
Tôi đã có một quãng đời tuổi thơ thật đẹp và gắn bó sâu nặng, nghĩa tình với vùng đất quê nghèo khổ này. Con đường vòng cánh cung nằm ở phía Tây của làng, như ôm giữ và che chắn khí thiêng cho cả làng.
Trước đây tôi và đám bạn đồng niên thường chăn trâu ở cánh đồng Miên Bảy; vào vụ mười, cũng là vụ giáp đông, khi lúa đã được gặt hái xong, tôi thường thả trâu xuống đồng và đánh đáo, đánh khẳng trên con đường mòn này.
Thỉnh thoảng tôi và Văn bạn học, cũng là bạn chăn trâu với tôi lại ghé về bà Bễ hái đản mít ăn với muối trắng. Ra sau nhà lợp lá kè của bà nhặt những mảnh vỡ của bát đĩa ngày xưa để đánh đáo. Đó cũng là nền cũ của ngôi chùa còn xót lại.
Nhưng nay ngôi chùa, nền chùa và con đường chứa đựng bao dấu tích lịch sử cha ông đã theo thời gian phủ mờ lên tất cả. Chỉ còn lại những ngôi nhà mới, những bụi tre, bụi trúc mọc đầy con đường đi về phía xương thôn Trại Bái.
Trước đây khi chưa khai thông con đường huyết mạch giữa làng. Đường Cồn Mối là con đường đi chính của làng, cũng là đường phòng hộ nước lũ của mùa mưa bão, chắn sóng, tạo nên bức tường thành che chở cho cả làng và ngôi chùa được yên ổn.
Bao nhiêu suy nghĩ, bấy nhiêu tiếc nuối, nhớ thương về một vùng đất xa xưa đồng vọng cùng những tiếng mõ tụng Kinh của cha ông thuở trước. Nay chỉ còn lại những khoảnh khắc, tích xưa thật đẹp và thanh cao lưu mãi trong lòng người dân quê tôi.
Miên man những nghĩ suy theo dòng cổ tích xuyên suốt một đêm dài, nhìn ra ngoài trời sương mai phủ kín một màn dày đặc. Tôi mở cửa ra để ngắm không gian phủ trắng sương mù, lòng thấy tâm tư lạ thường, rốt ráo.
Cái lạnh cuối mùa đông cũng không làm tôi băng giá, heo may. Khi ngôi cổ tự vẫn hiển hiện trong tôi như có một luồng ánh sáng vô tận của Phật pháp nhiệm màu trong quá khứ rọi vào tim tôi, luồng ánh sáng ấy đã làm ấm áp tâm hồn tôi trong từng hơi thở của cuộc sống hiện tại.
Mặt trời đã nhô lên, sương mai cũng tan dần theo ánh nắng. Những đàn chim đã tụ họp về phía vườn cây, tạo nên những âm hưởng thật véo von, thánh thót. Một thứ âm thanh nghe quen thuộc mà mỗi lần về quê tôi mới chiêm nghiệm hết đươc. Phía góc ao một chú chim bói cá đang ngồi gật gù nhìn xuống mặt nước như đang dõi theo con mồi bơi sát dưới làn sóng mỏng gợn lăn tăn.
Mọi thứ trong buổi sáng mai diễn ra rất thanh bình và an lạc. Vừa động lại vừa tĩnh; động là bởi những tiếng chim ríu ran làm cho cả không gia như bừng dậy. Tĩnh là vì không gian rất thanh bình tạo nên một nét u mặc, hoài cổ bâng khuâng, khiến lòng tôi xao xuyến.
Một ý nghĩ đã lóe lên trong đầu tôi là đi tìm các cụ cao niên trong làng để tìm hiểu kỹ về ngôi chùa của tiền nhân thuở trước. Thuở nhỏ chỉ nghe người dân kể lại nhưng chưa có dịp tìm hiểu kỹ.
Nay thời gian đã đến, nhân duyên đã định, trong lòng như có một sức mạnh tâm linh thúc giục tôi, tôi thấy tràn ngập niềm vui và hứng khởi.
Tôi đã đi qua phía hàng tre sau ngõ sang tìm bác Khen. Năm nay bác cũng đã cao tuổi rồi, tóc đã bạc, nhưng nước da vẫn còn hồng hào, săn chắc. Từ ngày dì mất, bác thường sống một mình, những người con của bác bận công tác ở nơi xa. Bác đã từng tham gia kháng chiến chống Pháp, tham gia lớp “Học vụ bình dân” theo tiếng gọi của thiêng liêng của Bác Hồ và Tổ quốc.
Sau này về, bác làm giáo viên trường làng. Nên tôi nghĩ bác sẽ cung cấp cho tôi những hiểu biết cơ bản từ bác về ngôi chùa mà tôi đang tìm hiểu.
Từ ngoài ngõ tôi đã nhìn thấy bác đang dắt xe đạp để đi đâu đó. Tôi cất lời hỏi bác: “Bác ơi! Bác đi đâu đấy?”, Bác trả lời: “Bác đang định đi xuống xóm dưới đi chơi”. Rồi bác hỏi lại tôi: “Cháu về khi nào”. Tôi trả lời bác: “Dạ! Cháu về tối qua bác ạ”. Bác dựng xe xuống bên lề hè và mời tôi vào nhà uống nước.
Bác với tay lấy tách trà từ phía Từ đường để pha nước mời tôi. Loại trà bác thường hay dùng là Trà sen ướp hoa Nhài. Bác vừa pha trà vừa nói với tôi: “Năm ngoái bố cháu ngồi uống nước với bác suốt từ chập tối đến khuya mới về, cũng trong ngôi nhà này. Hai anh em ngồi nói chuyện rất lâu, đến gần sáng thì bố cháu quy tiên. Tích tắc không đầy ba mươi phút. Trước khi mất, bố cháu vẫn còn khỏe mạnh vậy mà giờ đây anh em lại phải xa nhau, âm dương cách biệt”.
Lời bác kể làm tôi thấy nghẹn ngào trong cổ họng. Nhưng tôi hiểu đó là qui luật của tạo hóa, đã có sinh ắt sẽ có diệt. Âu đó cũng là sinh ly tử biệt, sắc sắc, không không trong cõi vô thường.
Cuộc đời con người cũng chỉ nương trong thời gian ngắn ngủi của quán trọ trần gian, rồi lại vĩnh biệt trở về mới đất mẹ thân yêu. Từ giã thân tứ đại về với Phật pháp thường trụ đó mới là sự sống vĩnh hằng và giải thoát.
Bác cũng có những nỗi mất mát lớn lao trong những năm tháng vừa qua. Dì mất, rồi đến các con bác lần lượt ra đi về cõi vĩnh hằng. Thời gian và nỗi đau đã làm bác yếu đi nhiều hơn so với mấy năm về trước.
Bác rót nước mời tôi, một vị hương thơm của trà sen xen lẫn trong hương vị đồng quê thanh thoát của hoa Nhài. Chén nước trà thơm hàn huyên trong cảnh mùa đông đã làm tôi ấm lại, một cảm giác tình làng, nghĩa xóm hòa quện, gắn bó thiết tha.
Tôi hỏi bác: “Bác ạ! Hôm nay cháu qua thăm bác và hỏi bác về ngôi chùa trước đây của làng mình, bác còn nhớ được điều gì bác kể lại cho cháu nghe”. Bác nở một nụ cười thật vui trên khuôn mặt, và bác nói với tôi: “Giờ bác kể cháu nghe để cháu viết bài lưu lại cho thế hệ sau này biết về điển tích ngôi chùa của làng mình, không lỡ sau này thế hệ như bác đây sớm về với tiên tổ thì không còn ai nhắc đến nữa. Lúc đó chùa cũ sẽ bị lãng quên đi trong tâm thức các thế hệ sau này, để cho con cháu sau này biết làng mình đã từng có một ngôi chùa rất linh thiêng hiện hữu”.
Rồi bác đứng dậy đi về phía cửa sổ lấy hộp phấn trắng ra ngoài bàn, vừa kể bác vừa vẽ lại bằng phấn sơ đồ quần thể chùa trước đây lên bàn. Bác kể khi bác nhỏ tuổi đã thấy ngôi chùa tọa lạc ở đây rồi. Quần thể ngôi chùa ước chừng khoảng ba mẫu đất. Theo cách tính của bây giờ thì một sào của Trung bộ bằng 500m2 , mà một mẫu bằng 10 sào, ba mẫu bằng 30 sào. Như vậy là quần thể chùa có diện tích rất rộng lớn.
Qua sơ đồ bác mô tả tôi thấy cả không gian Chùa xưa như đang sống dậy, hồi sinh qua những địa tầng lịch sử văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo và văn hóa bản địa.
Chùa tọa lạc theo hướng Tốn (Đông Nam), phía trước có ba tiền án chạy dọc theo hướng Cấn – Khôn (Đông Bắc – Tây Nam). Ba Tiền Án theo lời kể của bác là ba gò đất rất lớn nổi lên phía trước chùa. Tạo nên những thế đất Long chầu, Hổ phục đắc địa làm địa khí chắn giữ cho ngôi chùa và làng mạc.
Chùa được chia làm ba gian, gian giữa là ban thờ Tam Bảo, hai bên tả hữu được thờ các vị thần trong làng. Bên ngoài chùa có hai bức tượng lớn; như bác gọi là Thần Lục Sĩ, nhưng tôi nghĩ đó là hai bức tượng thờ hai vị Thần Hộ Pháp canh giữ ngôi chùa. Mái chùa hình vút cong và lợp bằng ngói mũi cổ truyền. Phía góc Nam của sân là bàn thờ Thông Thiên. Cạnh bên là cây đa to và giếng nước trong vắt, mát rượi quanh năm.
Những năm chiến tranh loạn lạc, người dân lại chịu cảnh đói rách lầm than. Nhưng ngôi chùa vẫn là nơi linh thiêng, là điểm tựa tinh thần cho người dân quê tôi, hướng về cái thiện, hướng về Phật pháp để hằng sinh cho xã hội và bản thân được giác ngộ - thiện sinh.
Ngôi chùa do các ông Từ (gọi là ông Nộ và ông Tuần Công) trước đó của làng trông giữ và hương khói quanh năm. Những ngày Rằm, hay đầu tháng bà con quê tôi lại trở về chùa lễ Phật.
Phía trước sân chùa là bàn thờ thông thiên rất linh thiêng, bên ngoài cỏ mọc sát vào lề sân, nên trâu bò hay vào đây gặm cỏ. Nếu không may cọ vào phía bên bàn thờ là trâu bò thường bị đau bụng, sau đấy phải nhờ ông Từ trông chùa thắp hương xin mới khỏi. Những câu chuyện làm trĩu nặng liêu trai chí dị, nhưng vẫn làm tôi chăm chú lắng nghe.
Bác kể đến đây lòng tôi thấy trĩu nặng tâm tư, da diết nhớ thương về người xưa cảnh cũ. Tôi như thấy mình đang trở về quá khứ, hiện hữu trước ngôi chùa, đảnh lễ trước đức Phật Đại Từ Đại Bi, được nghe pháp thoại của người xưa răn dạy đạo học làm người và giác ngộ chính pháp vi diệu.
Nơi đây cũng là nơi tụ hội những trẻ mục đồng về đây tranh nhau cướp nổ cúng cô hồn vào tiết tháng bảy, gọi là tháng xá tội vong nhân và Vu lan Báo hiếu. Những đứa trẻ như bác thời đó được đến chùa để cướp nổ là một điều lấy làm vui thích và kỳ thú lắm, vì hoàn cảnh của toàn dân khi đó còn đói khổ và khó khăn rất nhiều.
Quần thể xung quanh chùa rất đa dạng sinh thái và nhiều sinh vật quí mọc lên ở đây. Nét đặc trưng mà thế hệ như bác không bao giờ quên được là vào mùa cuối hạ sang thu là mùa hoa dẻ nở rộ, tỏa ra hương thơm thanh khiết, dịu dàng.
Cả không gian chùa ngút ngàn hoa sim tím và màu hoa lục vừng; cảnh đẹp, chùa linh, làm tiêu điểm cho chim chóc kéo về đây làm tổ, tạo nên một cảnh quan thiên nhiên vô cùng kỳ thú và thơ mộng.
Bác dừng lại câu chuyện, đặt viên phấn xuống bàn và nâng chén hớp một ngụp trà, rồi bác nhìn sang phía tôi thân thiện. Đôi mắt bác như muốn nói với tôi là còn hỏi gì bác nữa không.
Tôi hiểu được ý nghĩ đấy và tôi đã hỏi thêm ở bác: “Bác ơi! Bác có biết nguyên nhân tại sao ngôi chùa của làng mình không giữ được đến bây giờ không ạ”.
Bác nói: “Lúc đó do đất nước đang diễn ra chiến tranh, bác phải lên đường đi chiến đấu, nên bác cũng không nắm được nhiều. Đến khi trở về thì hoàn cảnh đã thay đổi, nên bác cũng không nắm được nhiều. Cháu muốn rõ hơn về phần này thì cháu sang tìm ông Khanh (Trịnh Đình Khanh), bố đẻ ra anh Vó, anh Tham. Nhà ở ngay sau ngôi chùa cũ, có thể ông Khanh còn nhớ được để kể cho cháu thêm”.
Tôi cảm ơn bác rồi tạm biệt bác lên đường để đến nhà ông Khanh theo lời bác nói. Nhìn lại phía sân cây khế vẫn còn trĩu quả trên cành. Bóng bác nhìn tôi xa dần khuất sau hàng chuối. Ánh nắng non trưa dọi xuyên qua từng lũy tre xanh đan sát vào nhau đang mùa rụng lá. Nhìn xa xa cánh đồng Miên Bảy trắng toát những cánh cò đang bay lượn nhấp nhô.
Căn nhà mái lá đơn sơ đang hiện dần ra dưới làn khói bếp. Chẳng thấy ông đâu, tôi lại gần hỏi bà đang nấu cơm trong bếp nhỏ: “Bà ơi! Ông đi đâu rồi bà?”. Bà trả lời tôi: “Ông vừa đi ra ngõ đấy cháu à”. Tôi vâng với bà rồi vòng xe đi tìm ông. Tôi đã đi tìm ông nhưng tìm xóm trên, xóm dưới không thấy ông đâu.
Tôi ghé vào nhà Văn; người bạn tri kỷ của tôi hồi còn nhỏ, đang vét bùn ao, nhà người bạn nằm sát phía đông bên cạnh chùa. Thấy tôi vào Văn mời tôi uống chén nước để đợi ông. Được một lúc người chị ngồi bên đường biết tôi đang đi tìm ông nên mới nói: “Ông ấy đang đi ở ngoài đầu đường kia chú kìa”. Tôi ngó trông ra thấy ông đang chống cây gậy đi chậm chậm trên đường. Tôi hạ chén nước, tạm biệt người bạn để ra đón ông.
Tìm được ông tôi mừng quá, tôi dừng xe lại và mời ông lên xe để trở về nhà. Vừa đi ông vừa ôn tồn hỏi: “Cháu tìm ông có việc gì thế?”. Tôi nói: “Ông ạ! Chốc về nhà cháu thưa chuyện với ông sau”.
Khoảng sân đầy ánh nắng, mấy lá kè lợp trước cửa vẫn nghe gió rít lao xao. Bà biết tôi đến từ lúc nảy nên bà đã chải sẳn chiếc chiếu dệt bằng cây Cói người dân quê tôi dệt ra sân, và một tích chè xanh mới nấu.
Ông mời tôi: “Ông cháu mình ngồi xuống đây ta uống nước và nói chuyện cho ấm cháu”. Tôi ngồi xuống cùng ông, bà bên ly chè xanh. Cảm thấy lòng ấm áp như tình quân dân đồng bào ta một thuở chiến chinh. Như những người con trở về từ nơi xa, bên bát nước chè xanh cũng làm ấm lòng cha – mẹ:
“…Các anh về mái ấm nhà vui
Tiếng hát câu cười
Rộn ràng xóm nhỏ
Các anh về tưng bừng trước ngõ
Lớp lớp đàn em hớn hở theo sau
Mẹ già bịn rịn áo nâu
Vui đàn con nhỏ rừng sâu mới về.
******
Từ lưng đèo
Dốc núi mù che
Các anh về xôn xao làng bé nhỏ
Nhà lá đơn sơ
Nhưng tấm lòng rộng mở
Nồi cơm nấu dở
Bát nước chè xanh
Ngồi vui kể chuyện tâm tình bên nhau…”
Bên mái nhà đơn sơ, giản dị, trong khoảng sân đã tràn đầy nắng ấm. Ông, bà tuổi đã xế chiều ngồi bên nhau kể chuyện ngày xưa cho tôi nghe rất an nhiên, tự tại. Hạnh phúc là đây, ngay trong cõi đời thường này.
Ông, bà đã sống bên nhau suốt một quãng đường đời thật ý nghĩa; bần cư mà an lạc với đạo, với đời. Trong không gian của Phật pháp, Có lẽ vậy mà tuổi thọ của ông, bà đã trường tồn rất lâu với con cháu.
Ngồi bên ông, nghe kể lại những câu chuyện xa xưa về ngôi chùa cũ, một lần nữa tôi cảm thấy thấm thía nỗi nhớ thương vô bờ bến mái chùa rêu phong, cổ kính đã từng hiển hiện nơi đây; ngay phía trước khoảng sân chừng 30m về phía trước kia.
Ông đã chứng kiến bao cảnh thịnh suy của ngôi chùa. Đến nay chùa không còn hiện hữu nữa. Có những giai đoạn do ấu trĩ trong nhận thức nên chùa đã bị phá đi.
Khi đàn chim trở về, những tia nắng cuối ngày đỏ quạnh, rồi nhạt dần về sau đỉnh núi Nưa. Người dân quê tôi không còn nghe thấy thanh âm của tiếng chuông chùa vọng vào thinh không như trước nữa. Nhưng tiếng vọng của thời gian về mái chùa vẫn còn đậm sâu trong cõi lòng nhân thế, đánh thức sinh linh, vượt bể ái hà đồng sinh về cực lạc.
Qua câu chuyện của ông nhiều điểm mới được bổ sung như là ba gò đất Tam Thai làm Tiền Án trước chùa. Cũng như dấu tích còn để lại đến ngày nay đang nằm trên đất bà Vinh và được gia đình bà trông coi và giữ gìn rất cẩn thận.
Ông nói thêm: “Bà Vinh là người theo Phật nên những gò đất này bà đã cho con trai cả là anh Vinh xây bao tròn lại đầu năm nay. Có nhiều người đi dò đồ cổ đến xin bà đề dò nhưng gia đình bà không đồng ý. Gò đất còn đến ngày nay, dù cho thời gian làm hao mòn đi tất cả, nhưng vẫn còn lại chứng tích đó là cái tâm hướng về Phật pháp mà giữ gìn cho mãi đến hôm nay của gia đình bà”.
Rồi ông đọc cho tôi nghe mấy câu thơ nói về bà gò đất Tam Thai và tích cũ ông thầy địa lý Tuyên Nam đến khai sơn lập cảnh, xây dựng chùa.
Ông giải thích câu “Tam Thai bất chính” trong bốn câu thơ là sự nằm không ngay ngắn của ba gò đất. Còn từ “Đông Phong” là ngọn gió mát thổi từ phương Đông đến. Tuổi thơ của ông cũng hay ra đây ngồi hóng gió mát vào mùa hè, hái quả sim ăn và cướp oản và nổ vào những ngày lễ Phật trong năm.
Tôi hiểu được nhiều hơn giá trị văn hóa tâm linh đã truyền tụng trong nhân dân từ trước đến nay. Các cụ ngày xưa cũng thật hóm hỉnh khi ví von những câu thơ rất ý tứ này:
“Đất chùa là đất Tuyên Nam,
Tam Thai bất chính gái toan tậy hồi.
Tháng ngày có kẻ ngồi trông,
Đông phong lại có người ngồi Đông phong…”
Ông đọc xong mấy câu thơ trên, hớp một ngụm nước chè xanh rồi đưa mắt nhìn xa xăm về phía bên chùa. Cả tôi và ông như đang lắng lòng tìm về quá khứ; quá khứ mà ông trải qua có biết bao kỷ niệm với mái hiên chùa, nào hoa thơm, trái ngọt, nghe những buổi nghe tụng Kinh cúng dường chư Phật.
Quá khứ của tôi chỉ đọng lại những hình ảnh về nền ghạch cũ, với rất nhiều những mãnh sành, xứ đã vỡ và chìm sâu dưới lớp đất theo dấu tích thời gian. Nhưng tôi và ông lúc này đều có chung một nỗi nhớ; nỗi nhớ về chùa, nỗi nhớ về xa xưa đang hiện về trong tâm thức của tôi và ông.
Lòng tôi thầm tiếc nuối và ước mong; nếu như chùa vẫn còn tồn tại đến ngày nay, hoặc là còn sử liệu và chứng tích để tôn tạo lại, thì người dân quê tôi sẽ đoàn kết và thương yêu gắn bó hơn trong cuộc sống thường ngày.
Lớp lớp thế hệ từ người già đến thế hệ trẻ sẽ được tiếp thu những tinh hoa của nền giáo dục Phật học. Tin và thực hành theo giáo pháp của đức Phật từ bi. Để sống một cuộc sống thực sự ý nghĩa và tốt đẹp: “Phụng sự Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh”.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nguyễn Văn Tuấn
Cẩn Bút
Thôn 4, Tế Độ, Tế Nông, Nông Cống, Thanh Hóa