Lời niệm Phật và nghe tiếng chim hót...
(PGVN)
Có những đêm thanh vắng, trăng sáng tỏa ngoài sân, tôi nằm trong nhà nghe thanh âm quen thuộc lại vọng về và tôi đã niệm Phật trong lòng, theo thanh âm trầm bổng của chú chim.
Cơn gió lùa qua khe cửa cùng tiếng chim hót ríu ran nghe quen thuộc ở ngoài rặng tre đã làm tôi chợt tỉnh giấc giữa ban trưa. Tôi bật mình thức dậy và xách máy ảnh đi theo. Đã mấy tháng nay tôi lặn lội đi tìm loài chim này để chụp ảnh và viết bài mà không làm sao chụp được, một loài chim mà tiếng hót đã làm tôi xao động, làm tôi day dứt, nhớ thương về những năm tháng đã qua.
Trưa nay giữa cái nắng chói chang ở một miền quê nghèo, tôi đã hóa trang trên mình những chiếc lá, để hòa mình vào màu xanh của rặng tre, nhờ vào tiếng kêu khắc khoải mà tôi tìm ra chỗ đậu của chú chim trong lùm cây rậm rạp, tôi đã đưa máy ảnh lên và bấm thật khẽ để chú chim không phát hiện ra tôi. Sự công phu, kiên trì và say mê bởi tiếng hót của loài chim đã giúp tôi hoàn thành được tâm nguyện mà bấy lâu nay mà tôi ấp ủ là phải dốc tâm tìm hiểu và kiếm cho bằng được loài chim kì lạ này.
Xâu những chuỗi thời gian đã qua, tiếng chim kêu lanh lảnh đã làm ký ức tràn về và sống dậy trong tôi. Chính mảnh đất thân thương này, nơi đã nuôi dưỡng tuổi thơ tôi, cho tôi sống những ngày tươi đẹp nhất…
Tre đã ru hồn tôi vào những buổi trưa hè bát ngát, hay những buổi chiều thả diều dưới dốc đê, bơi đùa trên sông Bảy, biết bao nhiêu kỷ niệm cứ ùa về, tôi không ngăn nổi cảm xúc của mình, nước mắt tôi trào ra mỗi khi nghe trong nhà có tiếng mõ và tiếng niệm Phật câu được câu không của chị Mây trước bàn thờ Bố vang lên.
Giống như trưa nay, trong không gian thoang thoảng của cơn gió mùa hè, trong tiếng văng vẳng thân thương của loài chim tìm vịt, tôi đã chiêm nghiệm được những giây phút kỳ diệu của cuộc đời. Tôi đã sống lại trọn vẹn những ngày tuổi thơ, những ngày còn bố bên cạnh, Bố đã nuôi dưỡng tôi cũng như anh em tôi lớn khôn và trưởng thành.
Dưới tán tre xanh tỏa bóng mát, nỗi lòng nhớ bố giữa hồn quê bát ngát lại dâng trào qua những tứ ca dao:
“Có cha có mẹ thì hơn,
Không cha không mẹ như đàn đứt dây”
Trưa nay thật là một buổi trưa kỳ diệu, tôi đã ngồi dưới tán cây rất lâu mà chim vẫn không bay, tiếng hót kéo dài và ngân vang rất xa. Sự liên tưởng đến câu chuyện bố tôi kể về giai thoại của loài chim này vẫn còn ghi nhớ mãi trong tôi.
Bố tôi kể rằng: "Ngày xưa có một anh nông dân nghèo, bán tất cả gia sản của mình mới có một số vốn, anh định mua một đàn vịt để chăm, thế là anh trên đường đi tìm mua, anh gặp người nọ đang đứng nhìn một bầy vịt rất đông bơi lội dưới hồ anh liền nảy ra ý định hỏi mua, người kia thấy anh này không biết đó là đàn vịt trời đã nảy ra ý định lừa để lấy một ít tiền nên anh đã đưa ra một giá rẻ để người kia có thể mua được, thấy giá rẻ anh bèn mua ngay, người này chỉ cho anh bầy vịt đang ăn dưới đồng và còn dặn anh chờ cho chúng ăn no đợi tới tối hãy lùa về nhà, anh làm theo, đến khi người bán vịt nhận tiền và vội vã bỏ đi, tới xế chiều anh lội xuống lùa vịt về, thì không ngờ đàn vịt liền tung cánh bay đi, lúc này anh mới biết là mình đã bị lừa, anh ta vừa tức vừa tiếc của và cứ kêu bầy vịt nhưng mà chúng cứ bay đi không trở lại, anh ta cứ kêu mãi kêu mãi cho đến chết và hóa thành con chim tìm vịt, cứ kêu "vít.... vin .. vin .. vìn .. vìn vìn vìn...vịt" trên bầu trời.
Tôi thích nghe tiếng kêu, không chỉ vì thấy hay mà còn bởi sự cảm thương với tích truyện cũ và bởi những kỷ niệm tuổi thơ gắn bó đã được bố kể. Lúc còn nhỏ nhiều lần tôi cố nhìn xem chú chim đang hót đậu ở đâu và tưởng tượng không biết hình dáng nó trông như thế nào mà tiếng hót của nó lại lánh lót khiến người nghe cảm thấy thảm thương đến thế, bởi cảm giác tiếng kêu đến từ một nơi rất xa nào đó vọng lại, nhỏ mà sắc nét và kỳ thực mình cũng chưa bao giờ nhìn thấy chủ nhân của tiếng hót đó.
Sau khi tìm kiếm trên mạng xem có trang nào ghi lại sự tích loài chim này không thì tôi đã tìm thấy một tích, hơi khác một chút với tích với bố kể. Truyền thuyết kể rằng: “Một ông lão nghèo chăn vịt thuê, mùa lũ lên vịt lạc mất, ông sợ bị chủ mắng nên bỏ đi tìm vịt. Ông mải miết, ngày đêm vừa đi tìm vừa gọi "vít.... vin .. vin .. vìn .. vìn vìn vìn...vịt”, “Huyết cha toản”; “Cha quà Toản” mà không thấy đâu, thế rồi ông kiệt sức, gục xuống mà vẫn không quên đàn vịt nên hóa thành con chim bay đi khắp nơi cất tiếng kêu tìm đàn vịt".
Nhưng dù là tích nào thì đó cũng là tiếng kêu da diết, để gọi, để tìm một đàn vịt đã mất. Từ sáng sớm, cho tới buổi trưa, chiều và cả tối, tiếng kêu "vít.... vin .. vin .. vìn .. vìn vìn vìn...vịt" lúc nào cũng vang lên, một khúc dài, lúc đầu cao lảnh lót rồi giảm dần đến âm cuối nhưng nhịp điệu thì lại nhanh lên, nó đã thể hiện sự hối tiếc, sự muộn màng đã được cảnh tỉnh.
Ngược thời gian để tìm về quá khứ trước đây của mình, về cái thuở còn chăn trâu, thả diều, tát bỗng, bắt tép, bắt tôm ở ngoài đồng tôi đã được bố kể về loài chim này.
Tôi là một đứa trẻ có tài bắn súng cao su, từ khi được anh trai sống trong Nam trở về và được anh giác ngộ giáo lý Phật pháp tôi đã khởi nguyện trong lòng không sát hại sinh linh nữa. Nếu như trước đây, con chim có giọng hót hay thì tôi sẽ cố tìm cho bằng được và bắn rụng dưới làn đạn đất.
Có những đêm thanh vắng, trăng sáng tỏa ngoài sân, tôi nằm trong nhà nghe thanh âm quen thuộc lại vọng về và tôi đã niệm Phật trong lòng, theo thanh âm trầm bổng của chú chim.
Tôi thầm quán tưởng lòng mình, ví lòng mình cũng như chú chim kia, thành tâm niệm Phật, không rời sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật, thâu đêm suốt sáng niệm Phật trở thành một dòng suối mát trong tâm hồn, xoa dịu nỗi đau, tăng trưởng lòng từ bi, hỉ xả.
Niệm Phật để bồi đắp lòng nhân từ, gieo duyên tứ hải, phụng sự quần sinh, vun trồng cội phúc.
Thật kỳ diệu biết bao, bởi niệm Phật đã làm cho lòng tôi thanh thản, tìm được lối đi mỗi khi tôi vấp ngã. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, bệnh đau dạ dày và đại tràng mấy năm nay đã làm tôi khổ sở. Nếu như không có Phật pháp thì cuộc sống khó khăn, vật lộn với bệnh tật trong mình thì tôi đã bị ngã qụy từ lâu rồi.
Ánh sáng của Phật pháp đã làm tôi giác ngộ, hiểu ra lẽ Thiện – Ác giữa đời thường, sự vô cảm giữa con người với nhau. Nhìn thấy được giá trị chân tướng thật giả của thân tứ đại hiển hiện giữa cuộc đời.
Bởi vậy, trưa hôm nay, tôi ngồi đây dưới tán cây vông xum xuê và hàng tre xanh bố trồng, nghe tiếng chim hót quán niệm tâm mình phải sống tốt hơn, để bố yên lòng yên lòng nơi chín suối, được siêu độ về cảnh bồng lai.
Càng yêu thương, chăm sóc mẹ và chị Mây nhiều hơn để bù lại những tháng ngày mình còn nhiều thiếu sót, chưa tròn đạo hiếu trung và cung phụng mẹ khi tuổi gia sức yếu.
Tế Độ - Nông Cống - Thanh Hóa, ngày 31 tháng 5 năm 2013
Nguyễn Văn Tuấn