Chú Ân năm Nhuận ăn Tết nhầm (Phần 2) (PGVN)

Chú Ân năm Nhuận ăn Tết nhầm (Phần 2) (PGVN)

Tất cả mọi thứ đều có thể nhìn thấy dưới ánh sáng của lòng nhân đức, và vì vậy, trong khía cạnh của cái đẹp; bởi cái đẹp là hiện thực giản đơn được nhìn qua con mắt yêu thương

Tất cả mọi thứ đều có thể nhìn thấy dưới ánh sáng của lòng nhân đức, và vì vậy, trong khía cạnh của cái đẹp; bởi cái đẹp là hiện thực giản đơn được nhìn qua con mắt yêu thương

·                                  

 

Bạn cũ và sự trở về

Sau khi tôi đến thăm và đón Tết sớm với chú Ân về, cả đêm trằn trọc không sao nhắm mắt được, vì cảm giác về cái Tết vừa dự với chú vẫn còn miên man trong tôi. Sáng ra tôi cho cô Sâm bạn đồng nghiệp công tác với tôi ở Trường Đại học Hồng Đức xem mấy bức ảnh tôi tác nghiệp tối qua. Cô Sâm động viên tôi; “anh gửi báo đi bài này được đấy”. Lời động viên làm cho tôi phấn chấn, cảm xúc đã dâng lên. Tôi viết một mạch đến non trưa thì xong phần một. 

Ý nghĩ đầu tiên là đưa lên Facebook lưu giữ làm kỷ niệm và cho những bạn trẻ quê tôi đọc để hiểu thêm về hoàn cảnh của chú hơn. Nhưng khi cô bạn tôi khuyến khích tôi đã gửi mail cho một cô bạn ôn thi thời cấp ba, giờ cô là phóng viên.

Khoảng ba mươi phút sau tôi nghe tiếng điện thoại reo, tôi đưa máy lên nghe thấy bạn tôi đang cười rất mạnh. Một lúc sau bạn tôi nói: “Đọc bài viết của anh và xem ảnh không thể nhịn cười được, vì ăn Tết nhầm là một chuyện hiếm có xưa nay”. Sau đó bạn tôi tâm sự tiếp: “Anh ạ. Nhìn những tấm ảnh anh chụp em thấy thương chú quá, anh cho em số điện thoại và địa chỉ của chú ấy để em liên lạc”. Tôi trả lời: Hoàn cảnh của chú ấy làm gì có điện thoại em, người chú lại không được lành lặn như người khác”. Tôi nói tiếp: “Thảo à! Nhà anh ở gần đó em về cùng anh anh sẽ làm hoa tiêu cho em, đường về quê anh ngoằn nghèo lắm, cũng nhân tiện em về thăm nhà anh luôn, anh em mình biết nhau cũng đã lâu, có quá nhiều kỷ niệm về một thời đi ôn thi ở trại rắn”. Thảo đồng ý với lời đề nghị của tôi, và Thảo cho tôi lựa chọn thời gian để trở về. Tôi đã hẹn thảo cuối giờ chiều sau khi ở trường về ta sẽ đi.

Tôi đã gọi điện cho Bình tài xế xe taxi Mai Linh là cháu họ của tôi. Tôi gọi điện nói: “Bình ơi 5h chiều nay cháu đến đón chú về quê làm báo nhé”. Bình “vâng” với tôi rồi nói: “Chiều lúc nào đi chú gọi cháu”. Tôi thống nhất công việc xong với bình rồi trở lại với bàn máy tính. Lớp tập huấn phần mềm kế toán xăng dầu ở phòng tin học ồn ào quá. Nhìn những tấm hình tôi chụp chú Ân ăn Tết sớm lòng tôi đã định tâm trở lại.

Lớp đã tan, giờ tan trường đã đến, thảo gọi điện thoại cho tôi để về quê. Điểm hẹn mà chúng tôi gặp nhau là ở nhà của Thảo. Tôi và Bình đã đi xe đến đón Thảo. Vừa uống chưa cạn chén nước mà Thảo vừa rót cho tôi thì thấy một thanh niên đi xe máy đến, tôi không biết là ai. Thảo nói với tôi: “Anh ạ! Đây là cậu Hoàng, phóng viên của báo điện tử.  Thảo nói tiếp: “cậu Hoàng là người đã viết rất nhiều bài báo về những con người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, về an sinh xã hội”. Tôi đứng dậy bắt tay Hoàng trong lòng cảm thấy rất vui.

Chuyện trò một lúc xong cả bốn chúng tôi cùng lên xe khi trời đã nhá nhem tối. Lên xe được một lúc tôi không yên tâm vì giờ này về không biết có gặp chú Ân không?, tôi đã gọi cho Cường nhà o Vần nhờ sang nói chú Ân ở nhà, nhưng Cường đang bận sửa sang nhà cửa. Cường bảo: “để cháu nói mẹ cháu sang cho”. Tôi nhất trí với Cường rồi trở lại câu chuyện với hai người bạn làm phóng viên cùng về với tôi. Xe đến đoạn rẽ ngã ba Voi, tôi nghe tiếng nhạc chờ về mùa xuân do ca sỹ Khánh Ly hát bổng vang lên, tôi ấn nốt nghe xem đầu dây bên kia là ai. Thì tôi nghe tiếng gọi trong điện thoại; “Anh Tuấn ơi! Tôi vừa ra nhà chú Ân nhưng không thấy chú ở nhà, nghe hàng xóm nói chú xách bì đi đâu đấy, nhà chú Ân tối om không đèn đóm gì cả”. Đó là lời của o Vần mẹ của Cường nhà ở phía trước nhà tôi.

Lúc này tôi thấy lo lo, vì nếu về không gặp chú Ân thì phải chờ rất lâu, mà đi tìm chú thì không biết chú đi đâu mà tìm. Nhưng theo giác quan của tôi, tôi vẫn tin là đoàn làm báo chúng tôi sẽ về gặp được chú.

Tôi đã yên tâm với suy nghĩ đó. Xe bắt đầu chạy chậm dần để rẽ về khu núi Văn Chinh thuộc xã Quảng Ngọc. Một đoạn đường đang làm còn hơi khó đi. Hoàng nói trong xe; “May mà có Bình lái xe quen đường không có người lạ thì đi đường này thật khó”. Tôi cười thầm trong lòng, vì Bình là cháu cùng quê với tôi nên đường đi này Bình rất thạo. Thảo nói với Hoàng: “Đây là quân của anh Tuấn điều đấy”. Chuyện rông dài một đoạn xe đã đến chợ Vàng và cầu Sông Hoàng; nơi tôi vẫn thường đi qua mỗi lần về thăm quê mẹ.

Qua cầu Bình đã cho xe rẽ phải, Tôi mới kể cho hai người bạn của tôi nghe về con sông Hoàng; “Con sông này là cứu tinh của cả huyện Nông Cống, đặc biệt là làng tôi và những làng lân cận, con sông này đã tiêu nước qua cửa Lạch Tỉnh Gia rồi chảy ra biển. Tôi đã chứng kiến những năm lụt lội nước dâng ngập làng, dân quê tôi đã phải gánh chịu nhiều hậu quả của mùa mưa bão đổ về. Nhưng giờ thì khác con sông này đã là nguồn tiêu nước ra biển cũng là nguồn nước quan trọng tưới tiêu cho hoa màu và cây cói của mấy xã quanh tôi”.

Nói đến sông Hoàng trùng tên với tên cậu bạn. Hoàng kể xen vào: “Mẹ em trước làm dân công đào sông đắp đê ở nơi này”. Tôi trêu Hoàng: “Như vậy lần này cậu và Thảo về viết báo về con người quê tôi là nhân duyên mà mẹ cậu đã tạo dựng từ trước rồi đó”. Hoàng cười rồi kể về quê hương của cậu.

Tôi nhìn qua kính xe taxi vẫn thấy hàng Bạch Đàn phe phẩy lá bên con sông quê thơ mộng. Xe đã đến đầu làng, không gian đã chìm sâu vào bóng đêm tĩnh mịch, Một vài ánh sáng hắt ra từ nhà cu Vương, anh Tựa…trên lối trở về làng. Ngoằn nghèo mãi xe đã đến lối rẽ vào nhà chú Ân. Hôm nay người xóm tôi trời rét gần như đi ngủ cả. Chúng tôi đã mở cửa xe bước xuống. Bên cạnh chỗ đậu xe là cây Vông to xum xuê lá do cháu Oanh nhà chị Thảo trồng năm xưa.

Trời tối đen như mực,  không gian trầm lắng, chỉ nghe tiếng côn trùng rả rích trong đêm. Tôi lục tìm trong túi xách lấy chiếc đèn pin mini mà tôi đã chuẩn bị từ chiều. Những người bạn tôi mới về lần đầu nên không quen đường, trời lạnh và tối nữa, lúc này tôi trở thành hướng dẫn viên (Tourgide), người dẫn đường men theo ánh sáng của chiếc đèn vào nhà chú. Từ xa xa tôi đã nghe tiếng chú Ân chửi bâng quơ vọng vào màn đêm, những câu chửi không đầu không cuối. Tôi mừng quá vì nghe tiếng chửi vu vơ của chú là chú ở nhà rồi chắc chắn rồi. Tôi cất tiếng gọi: “chú Ân ơi!” Không thấy câu trả lời, không gian lại chìm vào yên lặng, cả bốn chúng tôi dắt tay nhau đi men vào nhà chú.

Ngõ xóm ngoằn nghèo một bên là ao và một bên là hón và cánh đồng lác mênh mông. Nhà chú đã hiện ra qua ánh đèn pin, tôi không thấy chú đâu, chỉ thấy cây sanh sừng sửng đứng trước sân trong màn đêm như đang đón đợi đoàn khách không mời của chúng tôi trở về. Tôi đưa tay kéo nhẹ cửa làm bằng phên tre nứa đã xộc xệch theo thời gian năm tháng, có gán mấy mảnh áo mưa màu xanh xanh loang lổ ở chỗ phên bị rách. Tôi biết là chú ở trong nhà, nên tôi hỏi chú: “chú đâu rồi”. Tiếng trả lời khe khẽ của chú trong xó buồng vọng ra: “đang thay quần áo”. Các bạn tôi đều cười. Tôi trêu chú: “thay làm gì, tối thế này không ai thấy đâu”. Vừa trêu tôi vừa soi đèn pin tìm trên chiếu trải dưới đất và trên bàn thờ để lấy chiếc đèn hoa kỳ thắp bằng dầu hỏa.

Loại đèn bây giờ hiếm thấy, vì điện sáng đã làm thay đổi màu áo của nhiều miền quê ngày nay. Tôi đã tìm thấy hai chiếc đèn hoa kỳ, một chiếc đã hết dầu, và một chiếc còn một ít dầu trong đó. Tôi đã khơi ngọn đèn sáng lên. Ngọn đèn dầu le lói trong căn phòng tĩnh mịch đủ để chúng tôi nhìn thấy mặt nhau. Thôi lục túi lấy ra hai cục pin mới thay vào đèn pin, căn phòng đã thắp sáng lên nhưng cũng chưa đủ sáng. Vẫn không thấy chú đâu. Tôi cầm đèn pin vào buồng tìm chú, chú đã thay xong bộ quần cũ kỹ vắt lên dăng, tôi khoắc vai chú bước ra ngoài. Bình mượn thêm một chiếc đèn pin lớn từ nhà cháu Đường bên cạnh chạy vào.

Căn phòng lúc này đã được thắp sáng hơn, chùng tôi đã ngồi quây quần bên nhau, tôi đứng dậy thắp tuần nhang ngày Tết theo ý niệm của chú lên bàn thờ, thầm cầu cho quốc thái dân an và cầu cho chú được ấm no hạnh phúc, được xã hội quan tâm và thông cảm, sẻ chia với chú nhiều hơn, chú sẽ bớt phần cô đơn, lạc lỏng, mặc cảm bị bỏ rơi ra bên lề cuộc sống. 

Mùi hương thoang thoảng cảnh Tết lại tràn về với tôi lần nữa, lần trước có mình tôi, lần này có bạn tôi cùng về ăn Tết với chú, nhộn nhịp hơn, rôm rả hơn giữa đồng không mông quạnh, phía sau là bãi tha ma “Cồn mạch” của làng. Mong sao chú không còn cảnh xách bì đi xin mỗi nhà vài bò gạo, và cảnh ra đồng mót chét, đôi khi vì đói quá phải đi bẻ vài cái ngô của nhà khác về ăn thay cơm. Sức khỏe chú đã yếu đi mấy năm nay, thần kinh lại không như người khác. Đời sống khó khăn, chật vật, khổ sở trăm bề.

Chúng tôi về với chú đêm nay bằng tất cả tấm lòng và tình thương yêu sâu nặng nhất. Chúng tôi đã mừng tuổi chú mấy trăm nghìn. Cảm giác về ăn Tết với chú như đang về với người thân ruột thịt của mình. Tôi thấy trong ánh mắt của chú đêm nay tràn ngập niềm vui và nụ cười bẽn lẽn, chú thỉnh thoảng nhìn tôi thân thiện mỗi khi bạn tôi hỏi chuyện. Có lẽ chú chưa quen với những lần tiếp xúc như thế này. Vì đây là lần đầu tiên chú được đoàn làm báo về thăm không báo trước. Cậu Hoàng ngồi bên cạnh chú hỏi đùa: “chú ơi bật tivi lên xem”, chú mỉm cười e lệ. Tôi nói chen vào: “Tivi chú hỏng từ lâu rồi, nhưng chú vẫn để trưng bày cho đẹp, nhà chú lâu lắm cũng có thắp điện đâu”.

Thảo và Hoàng nói với chú: “chú Ân ơi! Dọn bánh cho chúng cháu ăn với, chúng cháu đi làm chiều về chưa ăn uống gì, chúng cháu đói hết cả rồi, để bụng vào đây ăn Tết với chú”. Chú Ân mỉm cười rồi nói nhỏ: “Bánh cứng mất rồi”; tôi nói xen vào: “bánh cứng thì rán lên chú”. Tôi đã cầm đèn pin vào buồng, và Thảo đã tìm thấy mây lát bánh chưng mới rán còn thơm mùi mỡ ở trong nồi, chắc là bánh chú vừa ăn còn thừa lại. Nồi thịt đông thì treo tít trên cao. Phía trên cầu thang lên sân thượng có một nồi quân dụng còn lại ít bánh chưng trong đó, tôi và Thảo khệnh nệnh bê ra. Tất cả mọi thứ từ thịt đông đến bánh rán được và đĩa đường được bày ra tươm tất trên mâm.

Mâm Tết đã được bày ra, chúng tôi đã nâng những ly rượu cuốc lủi vừa rót trong chai ra nâng lên chúc chú, và ăn lát bánh chưng rán cảm nhận hương vị Tết quê mùa. Chú đã tặng cho ba người chúng tôi ba cái bánh tét, chú nói là cầm về mừng tuổi cho các cháu.  Hương thơm trên bàn vẫn còn thoang thoảng, Hoàng và Thảo đã thay nhau chụp ảnh lưu niệm với chú rồi đoàn chúng tôi tam biệt chú ra về. Chú đã tiễn chúng tôi ra cửa.

Sương đêm mỗi lúc một dày thêm, trắng xóa cả một vùng, cánh đồng mênh mông giờ đã chìm sâu vào bóng tối, văng vẳng xa xa tiếng chảo chuộc vọng vào trong đêm nghe não nề chua chát. Tôi ngoái đầu nhìn lại chỉ thấy mờ mờ hình ảnh chú đứng tựa cửa trông theo bóng dáng chúng tôi ra xe.

Những thông tin mà chú cung cấp cho chúng tôi thật quá ít ỏi, đến cả năm sinh cũng không còn nhớ, chú chỉ nhớ mang máng là sinh năm Sửu, mà năm Sửu thì nhiều vô kể theo chu trình vận hành của địa chi và can chi, lục thập hoa giáp, sáu mươi năm một hội, biết Sửu đâu mà tìm.

Tôi nói với Bình đưa Thảo và Hoàng cùng tôi đi thẳng xe xuống thôn 3, đi được một đoạn thì xe rẽ trái, quặn vào lối xóm lưa thưa. Nơi mà chú Ân đã được sinh ra và lớn lên ở đó.

Ngôi nhà tình nghĩa đã do một doanh nghiệp hổ trợ xây dựng, giờ đã lặn vào trong đêm, có lẽ chú Đức đã đi ngủ rồi. Tôi quay sang nhà chú Hiếu bảo chú sang nhà chú Đức thắp điện và kêu chú dậy. Điện đã được thắp sáng đoàn chúng tôi vào nhà gặp chú Hồ Đình Đức (anh trai chú Ân), lúc này chú cũng vừa trên giường xuống; đôi mắt bị mù lòa, chú sờ tìm chiếc gậy để ra đón chúng tôi. Nhưng Hoàng và Thảo đã đỡ chú ngồi lại bên giường.

Chú Hiếu cho biết:  “anh Ân họ tên đầy đủ là Hồ Đình Ân, sinh năm Đinh Mùi 1967, sinh ra trong gia đình bần nông nghèo khổ. Nhà có 6 anh chị em. anh Ân không được học hành, cũng có lấy vợ và xin được đưa con nuôi. Nhưng giờ vợ chồng đã ly thân từ lâu rồi, đứa con nuôi thì ở với vợ”.

Người mẹ chú đã được các cháu dẫn sang, đôi mắt cũng bị mù lòa từ lâu, tuổi đã xế chiều, sức đà mòn mỏi. Chống cây gậy lê từng bước đi lòm khòm trông thật là não lòng chua xót.

Chú Hiếu cho biết thêm: “Gia đình anh em chúng tôi cũng hoàn cảnh lắm. Nhà tôi chỉ có hai sào ruộng, nuôi 4 đứa con, mẹ già mù lòa. Nhà anh Đức cũng tủi cực vô cùng. Vợ mới mất, con trai nuôi lại phạm vào cảnh tù tội, bản thân anh Đức mù lòa giờ không ai nương tựa, đỡ đần…việc chăm lo cho anh Ân cũng chỉ được phần nào.”

23 giờ hơn, đoàn chúng tôi từ biệt gia đình với những con người khốn khổ để ra về. Sương đêm như trắng thêm, mỗi lúc lại càng dày đặc và mịt mù, cái lạnh đang thấm dần vào da thịt. Tất cả đã chìm vào đêm đen, chìm vào cái không gian trầm lắng, tĩnh mịch, cô quạnh. Cái lạnh cuối mùa đông, giữa một vùng quê còn nhiều khốn khổ, như tế tái hơn trong những cảnh đời ngợp lặn, đìu hiu…

Kết nối yêu thương và hiệu ứng tích cực

Trong cái lạnh cuối mùa, tôi không khỏi ngăn được những cảm giác mới lạ và sâu xa. Tôi đan tâm nghĩ ngợi đến những cơn gió đột khởi trong lòng người, báo trước những sự thay đổi kỳ diệu trong cái sâu lắng của tâm hồn.

Tôi lại nghĩ đến những người nghèo khổ đang lầm than trong cái đói rét, bị bỏ rơi, quên lãng cả một kiếp người làm lũi. Những cơn gió heo may, lạnh lẽo sẽ làm cho họ lo sợ, buồn rầu, cô đơn trống trãi. Về mùa đông sắp qua và mùa đông sau lại tới. Mùa đông băng giá và heo may phủ lên lưng họ và thân phận họ cái lặng lẽ của sương mù dày đặc. Lòng tôi như se thắt lại khi nghĩ rằng; chỉ một chút âu yếm, quan tâm, chia sẻ, lòng vị tha và  tinh yêu thương đồng loại, không kỳ thị với những mảnh đời còn lặn chìm trong bóng đêm của cuộc đời, cũng đủ để an ủi, nâng đỡ những người cùng khốn ấy.

Chỉ có mùa xuân đến bằng tình yêu thương đấy mới là một mùa xuân nở hoa thơm ngát, mùa xuân của lòng người kết gắn, chung tay xây dựng con người và đất nước thêm thắm sắc hoa xuân.

Đoàn chúng tôi đã mò mẫm ra cho xe chầm chậm chuyển bánh ra thành phố Thanh Hóa. Mỗi người chúng tôi theo đuổi theo những ý nghĩ riêng tư; ý nghĩ về những con người khốn khó cùng cực mà chúng tôi vừa gặp. Hình ảnh về chú Ân bên mâm cỗ Tết sớm với những nụ cười khắc khổ vẫn còn nhoi nhói trong tôi.     

Kỳ vọng một mùa xuân chú Ân và đại gia đình chú Ân cùng tất cả những mảnh đời đói khổ sẽ được xã hội quan tâm bằng những hành động cụ thể về tình nhân ái, để cho họ thực sự có một cái Tết cũng như trong đời sống hàng ngày giá trị vật chất và tinh thần mở ra tiền đồ tươi sáng vào tương lai của họ.

Ngọn đèn dầu sẽ được tỏa sáng!

Mâm cỗ Tết sẽ đầy đủ hơn trong cái Tết nguyên đán sắp về!

Chú Ân năm nay sẽ được đón một cái Tết no ấm đầy đủ hơn!

Tất cả điều đó muốn có được và trở thành hiện thực là nhờ vào chính sách, sự quan tâm của mọi người. Chính sách “An sinh xã hội” phải được đẩy mạnh và tăng cường.

Đạo lý không thể nói suông bằng lời nói. Mà phải bằng hành động, bằng tâm huyết và lẽ sống ở đời. Đạo lý đó sẽ được tỏa sáng và lan tỏa. Như sinh thời Bác Hồ đã từng nói: “Người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện. Cả rừng hoa là một rừng hoa thiện”.

Thật tuyệt vời là con người đã sử dụng biết bao thời gian để chống lại cái ác. Giá mà họ cũng sử dụng năng lượng đó để yêu thương người khác, cái ác sẽ tự chết vì buồn chán.

Thông điệp mà tôi muốn gửi đến bạn đọc rằng: “Một trong những điều ngọt ngào về đau khổ và u sầu là chúng cho ta thấy chúng ta được yêu nhiều như thế nào, sự tử tế tồn tại trên đời nhiều như thế nào, và dễ dàng như thế nào để giúp người khác hạnh phúc theo cách họ đã giúp ta khi họ cần tới sự trợ giúp và thấu hiểu.”

“Tất cả mọi thứ đều có thể nhìn thấy dưới ánh sáng của lòng nhân đức, và vì vậy, trong khía cạnh của cái đẹp; bởi cái đẹp là hiện thực giản đơn được nhìn qua con mắt yêu thương.”

Tam Giang những ngày cuối đông

Ngày 21 tháng 01 năm 2013 – Quí Tỵ

Kỷ niệm về quê hương Tế Độ

 

Nguyễn Văn Tuấn Đại học Hồng Đức - Thanh Hóa

 

phatgiao.org.vn
Xem thêm chủ đề:báo chí

Hỗ trợ trực tuyến

hacheco ho tro truc tuyen
  • 0982.910.914

FACEBOOK