|
Chuyển động của mặt trăng và mặt trời là cơ sở để tính âm lịch và dương lịch.
|
Lịch tính thời gian theo mặt trời gọi là dương lịch. Trái đất quay trọn một vòng xung quanh mặt trời mất 365 ngày và 6 giờ. Năm dương lịch có số nguyên là 365 ngày. Như vậy, một năm dương lịch còn thừa 6 giờ và 4 năm dồn lại thừa 24 giờ, bằng một ngày. Do vậy, cứ 4 năm sẽ có một năm 366 ngày, gọi là năm nhuận. Nhuận ngày dương lịch được tính vào tháng 2. Do đó, tháng 2 năm 2004 có 29 ngày.
Lịch tính thời gian theo mặt trăng gọi là âm lịch. Tháng mặt trăng trung bình có 29,5 ngày. Một năm âm lịch có 354 ngày, ngắn hơn năm dương lịch 11 ngày. Cứ 3 năm lại ngắn hơn 33 ngày (hơn 1 tháng).
Để âm lịch vừa chỉ được tuần trăng, vừa không sai lệch nhiều với thời tiết 4 mùa, cứ 3 năm âm lịch người ta phải cho thêm một tháng nhuận để năm âm lịch và dương lịch không sai nhau nhiều. Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đủ, năm âm lịch vẫn chậm hơn so với năm dương lịch. Người ta khắc phục tình trạng trên bằng cách cứ 19 năm lại có một lần cách 2 năm thêm một tháng nhuận.
Trong 19 năm dương lịch có 228 tháng dương lịch, tương ứng với 235 tháng âm lịch, thừa 7 tháng so với năm dương lịch, gọi là 7 tháng nhuận. Bảy tháng trước đó được quy ước vào các năm thứ 3, 6, 9 hoặc 8, 11, 14, 17, 19 của chu kỳ 19 năm.
Với năm âm lịch, muốn tính năm nhuận chỉ việc lấy năm dương lịch tương ứng với năm âm lịch chia cho 19, nếu số dư là một trong các số: 0, 3, 6, 9 hoặc 11, 14, 17 thì năm âm lịch đó có tháng nhuận.
Năm Giáp Thân 2004 này nhuận một tháng và tháng nhuận rơi vào tháng 2 (vì 2004 chia 19 còn dư 9). Trở lại năm Giáp Thân cách đây 60 năm (1944, chia cho 9, dư 6), cũng là năm nhuận và tháng nhuận rơi vào tháng 4.
Năm nhuận chỉ là một thủ pháp của các nhà làm lịch nhằm làm cho năm âm lịch và dương lịch không sai lệch nhau nhiều, không có hàm ý gì về thời tiết, khí hậu.