Trước năm 1953, trên địa bàn xã có 3 ngôi chùa. Hiện tại, không còn ngôi chùa nào, bà con bên lương theo tín ngưỡng thờ cúng ông, bà nên các nghi thức và truyền thống thờ Phật gần như vắng bóng trong suốt nhiều thập kỷ. Trên địa bàn xã có 60 dòng họ, bà con chủ yếu thuần nông và kinh doanh buôn bán nhỏ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong vài năm gần đây đời sống tâm linh của người dân đã có sự biến chuyển theo đà phục hưng Phật giáo xứ Nghệ. Đầu tiên là việc xã khôi phục và xây dựng đình Thượng Diên - địa chỉ tâm linh một thời là nơi gắn bó với đời sống tín ngưỡng tâm linh của bà con trong hàng trăm năm trước khi bị phá hủy.
Ngày đầu tháng Chạp năm Giáp Ngọ khi chỉ còn vài tuần lễ nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Mùi - 2015, do có người quen công tác từ Hà Nội, chúng tôi về dự lễ khánh thành nhà thờ Chi tộc (chi 3 của dòng họ Phan Hữu) thấy tôn thờ tượng Phật ngay tại gian chính giữa nhà thờ chi tộc (CHI TỘC PHỤNG PHẬT ĐƯỜNG), ban thờ phía bên trái thờ GIA TIÊN (CHI TỘC PHỤNG GIA TIÊN), và phía bên phải là (CHI TỘC PHỤNG BẢN THẦN thờ NGŨ VỊ BẢN THẦN) theo tín ngưỡng truyền thống của người Việt Nam.
Đi cùng chúng tôi có phật tử Phúc Vương là kiến trúc sư chuyên thiết kế chùa, nhà thờ, Phúc Vương đã khá bất ngờ về cách bài trí trên, nhà thờ có lối kiến trúc thuần Việt, kết cấu bê tông cốt thép giả gỗ hài hòa, linh vật trấn giữ ở cổng sử dụng biểu tượng Nghê thuần Việt được bài trí phía trước cổng vào, một số câu đối ở ngoài cổng ra vào và hai bên hàng cột sử dụng tiếng Việt.
Việc đóng góp xây dựng nhà thờ do cả chi tộc công đức, không phải một người con hay một doanh nghiệp, cá nhân nào mà người có nhiều thì đóng góp nhiều, người có ít thì đóng góp ít, người không có thì đóng góp bằng công sức lao động, tất cả mọi người đều hoan hỷ thể hiện ở vẻ mặt hân hoan trong ngày lễ khánh thành. Trong buổi lễ khánh thành từ những người chưa biết đến đạo Phật, đến những người đã biết chút ít, và cả những bà con theo đạo Thiên chúa trong chi tộc đã thành kính lễ Phật.
Nhìn thấy cách thức bài trí ban thờ; lá cờ Phật giáo tung bay trong gió của thôn quê bình yên chẳng khác nào một ngôi chùa nhỏ, và sự chân thành khi lễ Phật của những người dân quê Xã Đoài, là phật tử từ Hà Nội về chúng tôi rất cảm động, có lẽ đây là chi tộc hay nhà thờ họ đầu tiên của xứ Nghệ có thiết trí bàn thờ Phật. Rất mong mô hình này được nhân rộng trên toàn quốc để từ đó Phật giáo trở lại là đạo truyền thống, gắn bó với dân tộc đã trên 2000 năm nay.
Nếu thông qua cách làm này, chúng ta sẽ sớm khôi phục lại truyền thống thờ Phật trong đại đa số nhân dân mà do thời cuộc, do nhận thức sai lầm một thời chúng ta đã ngãng cách ra.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Quốc Viện - Chủ tịch xã Nghi Diên cho biết dòng họ Phan Hữu là một trong hai dòng họ trong xã được nhận bằng danh hiệu dòng họ văn hóa. Ngày 13 tháng Chạp xã sẽ trao Bằng chứng nhận của Sở Văn hóa Nghệ An cho dòng họ Phan Hữu.
Theo thiển ý cá nhân của người viết, mô hình nhà thờ chi tộc thờ Phật cần được nhân rộng để Phật giáo xứ Nghệ nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung khi hoằng pháp nên để ý cách làm này, đi vào văn hóa dòng họ, củng cố văn hóa dòng họ, văn hóa làng xã thì việc khôi phục, chấn hưng Phật giáo sẽ có một nền tảng vững chắc.
Anh Minh